Đề xuất giảm 3 tỷ USD vốn đầu tư sân bay Long Thành
Đề xuất giảm 3 tỷ USD vốn đầu tư sân bay Long Thành
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, Bộ Giao thông cho biết tổng đầu tư dự kiến cho Cảng Hàng không Long Thành là 15,8 tỷ USD, ít hơn gần 3 tỷ đôla so với phương án trước đó. - Bộ Giao thông nghĩ cách kiếm tiền xây sân bay Long Thành / Vốn cho sân bay Long Thành giảm hơn 1,2 tỷ USD
Riêng giai đoạn một, vốn đầu tư giảm 2,6 tỷ USD, cao gấp đôi so với con số đề xuất giảm đưa ra trong cuộc họp ngày 24/2 tại Bộ. Số vốn được Bộ trưởng Đinh La Thăng báo cáo trước Thường vụ Quốc hội sáng nay cho giai đoạn I của Sân bay Long Thành còn lại 5,2 tỷ USD.
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết khái toán mới nhất cho thấy suất đầu tư sân bay Long Thành là 15,8 tỷ USD.
|
Giải thích về điều chỉnh này, lãnh đạo Bộ cho biết trong giai đoạn lập báo cáo tiền khả thi, khái toán chi phí được lập trên cơ sở suất đầu tư nên độ chính xác chưa cao.
"Sau khi rà soát và tính toán chi tiết hơn, trên nguyên tắc áp dụng đơn giá của các dự án có quy mô và yêu cầu kỹ thuật tương tự, đã và đang triển khai trên thế giới cũng như trong khu vực, giá trị khái toán rà soát lần này là 15,8 tỷ USD", Bộ trưởng nói.
Theo người đứng đầu ngành giao thông, việc điều chỉnh quy mô, phạm vi giải phóng mặt bằng và tái định cư giảm từ 5.000 ha (toàn bộ diện tích quy hoạch) xuống 2.750 ha (diện tích đất dành cho hàng không dân dụng) đã giúp giảm hơn một nửa khoản chi này (khoảng 535 triệu USD).
Ngoài ra, việc giảm các hạng mục do chỉ đầu tư một đường hạ cất cánh trong giai đoạn I và tính toán chuẩn xác suất đầu tư cũng giúp giảm hơn một tỷ USD kinh phí. Cùng với đó là việc không đưa vào dự án các hạng mục triển khai theo phương án xã hội hóa giúp giảm 427 triệu USD...
Với số vốn giai đoạn I tương 109.970 tỷ đồng nêu trên, chủ đầu tư dự kiến Ngân sách phải bỏ ra gần 12.150 tỷ đồng (chiếm 11,1%), dành cho giải phón mặt bằng, tái định cư, xây dựng các công trình cho các cơ quan quản lý... Vốn ODA ước tính gần 29.200 tỷ đồng (chiếm 26,5%) dành cho khu bay. Vốn huy động ngoài Ngân sách ước tính gần 68.650 tỷ đồng (chiếm 62,4%) dành để đầu tư các công trình có khả năng thu hồi vốn cao như: nhà ga, các công trình thương mại...
Trong phần thảo luận diễn ra sau đó, đa phần ý kiến của các đại biểu Quốc hội vẫn giữ quan điểm thận trọng và yêu cầu làm rõ thêm nhiều điểm của dự án. Là cơ quan thẩm tra, đồng thời đã có chuyến thực tế tại TP HCM và Đồng Nai hồi cuối năm ngoái, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng việc xây dựng Sân bay Long Thành là hợp lý và kinh tế hơn so với phương án mở rộng Tân Sơn Nhất.
Cụ thể, để đạt hiệu suất tương đương, khu vực quân sự của cảng hàng không tại TP HCM sẽ phải di dời về sân bay Biên Hòa, tiến hành giải phóng mặt bằng khoảng 140.000 hộ dân... Chi phí cho quá trình này cộng với việc xây các công trình mới khoảng 9,1 tỷ USD. Bên cạnh đó là một số bất hợp lý về mặt an toàn, ô nhiễm khi cảng hàng không này đang nằm sát đô thị, tiệm cận với nhiều khu dân cư.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách - Phùng Quốc Hiển lại băn khoăn nhiều nhất về cơ chế vốn với dự án. Cụ thể, dù phần Ngân sách phải bỏ ra cho giai đoạn I được báo cáo chỉ chiếm trên 11%, song vẫn phải dùng vốn ODA - tức là Nhà nước phải chịu trách nhiệm. Như vậy, nguồn ODA nêu trên được cấp hay cho doanh nghiệp vay lại cũng là vấn đề. Ngoài ra, cơ chế cho các giai đoạn tiếp theo của dự án cũng cần được làm rõ. Tham khảo sản phẩm thiết bị đóng cắt điện công nghiệp của Schneider tại đây
Giải trình bổ sung những vấn đề nêu trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết cơ chế vốn cho toàn bộ dự án Sân bay Long Thành, theo báo cáo tiền khả thi, là lấy 30% từ ngân sách. Vị này cho biết đây là con số tối đa, còn trong trường hợp Chính phủ cho phép dùng vốn cổ phần hóa toàn bộ Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) và bán quyền khai thác sân bay, thì công trình có thể dùng hoàn toàn vốn đầu tư ngoài ngân sách. Riêng với ODA, cơ chế được vị này giải thích là Nhà nước vay và cho vay lại. Phương thức này đã chứng tỏ được hiệu quả đối với các sân bay đang khai thác.
Chốt lại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ Giao thông và các cơ quan liên quan cần tiếp tục rà soát, đảm bảo chính xác tổng mức đầu tư và cần có giải trình thuyết phục về cơ chế tài chính. Với những gì đã trình bày, bà Ngân cho rằng đại biểu có thể đặt câu hỏi tại sao tổng mức đầu tư ban đầu quá cao, Quốc hội yêu cầu rà soát thì giảm. Vậy nếu tiếp tục rà soát sẽ ra sao?
Chí Hiếu
0 nhận xét:
Đăng nhận xét